9 loại bệnh nguy hiểm xuất hiện trong mùa mưa

9 loại bệnh nguy hiểm xuất hiện trong mùa mưa bão

1. Bệnh đau mắt
Nguyên nhân chủ yếu của bệnh đau mắt đỏ là do virus Adenovirus hoặc do vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu gây ra. Khi bão lụt điều kiện vệ sinh, nước sạch không bảo đảm. Hơn nữa mùa mưa lũ, thời tiết ẩm tạo điều kiện cho vi rút gây bệnh đau mắt.
Bệnh đau mắt đỏ dễ lây nên rất dễ bùng phát thành dịch. Bệnh lây khi người lành tiếp xúc trực tiếp với người bệnh qua đường hô hấp, nước mắt, nước bọt, bắt tay, đặc biệt nước mắt người bệnh là nơi chứa rất nhiều vi rút.
2. Bệnh về da
Trong và sau mưa, lũ lụt, vô số vi sinh vật gây bệnh hòa vào nước tràn ra làm ô nhiễm môi trường, lây lan mầm bệnh. Nếu không xử lý kịp thời nguồn nước, môi trường sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, nhất là các bệnh về da bùng phát như: như nấm kẽ chân, nấm móng; viêm kẽ ngón tay, ngón chân (dân gian gọi là “nước ăn chân”); mẩn ngứa; viêm da.
3.Bệnh tiêu hóa
Mưa bão sẽ khiến môi trường, nguồn nước xung quanh bị nhiễm bẩn, từ đây phát sinh ra rất nhiều trường hợp người lớn trẻ nhỏ nhiễm bệnh về tiêu hóa. Nguyên nhân là do sự mất cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và hại trong đường ruột khiến nhiễm bệnh.
Mưa bão là điều kiện thuận lơi cho vi khuẩn dịch tả phát triển mạnh mẽ, đặc biệt ở những khu vực ô nhiễm, việc sinh hoạt, ăn uống không đảm bảo vệ sinh. Người mắc bênh tả có biểu hiện đau bụng, đi ngoài phân lỏng thành nước, chuột rút... Ở mức độ nặng, có thể dẫn đến tiêu chảy cấp. Nếu không kịp thời chữa trị có thể nguy hiểm đến tính mạng.
4. Bệnh sốt vàng da
Bệnh sốt vàng da, chảy máu sau mưa, lũ, lụt do vi khuẩn Leptospira gây ra: Bệnh sốt vàng da chảy máu (xuất huyết) do vi khuẩn Leptospira gây ra có liên quan trực tiếp đến nước tiểu của các loài chuột mang mầm bệnh Leptospira. Chuột đào thải vi khuẩn này theo nước tiểu ra môi trường bên ngoài trôi vào dòng nước.
Trong và sau mưa, lũ lụt, nếu ngâm mình, chân tay với thời gian lâu trong nước thì vi khuẩn Leptospira rất dễ dàng chui qua da và niêm mạc để vào trong cơ thể con người.
5. Bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.
Tuy dịch sốt xuất huyết ở nước ta năm nay đã đang được dập tắt nhưng mọi người vẫn cần chú ý.
6. Thương hàn
Đây là một bệnh dễ lây lan trong mùa mưa qua thực phẩm và nước đã nhiễm độc với các dấu hiệu như sốt cao, đau đầu, biếng ăn, tiêu chảy hoặc táo bón…Do vậy trong mùa mưa bão cần đun sôi nước uống thêm 2 phút, chế biến kỹ thực phẩm, đậy điệm thức ăn để tránh ruồi và côn trùng khác.
7. Bệnh về hô hấp
Thời tiết ẩm thấp, mưa gió làm tăng khả năng mắc các bệnh về đường hô hấp, trong đó phải kể đến cảm cúm, cảm lạnh. Cúm là bệnh thường gặp, nhưng nếu không điều trị đúng cách có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, thậm chí tử vong. Các bệnh hô hấp thường có khả năng lây nhiễm cao, tạo thành dịch, gây khó khăn cho việc điều trị.
Trong thời tiết như hiện nay, người lớn đã dễ mắc, trẻ em còn là đối tượng dễ mắc hơn cả nên cha mẹ cần hết sức lưu ý tới tình trạng sức khỏe của trẻ.
8. Bệnh viêm gan A
Bệnh do một loại virus lây từ người sang người khi ăn phải các thực phẩm bị nhiễm độc bởi chất thải và nước tiểu của người đã bị viêm gan A. Tình trạng này rất dễ xảy ra trong mùa mưa bão khi virus từ nơi này dễ lây lan sang nơi khác.
Để phòng tránh viêm gan A cần rửa tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh và trước khi chế biến đồ ăn. Các loại hải sản có vỏ như sò, trai được bán khá rẻ trong mùa mưa vì dễ đánh bắt nhưng cần được nấu tối thiểu 4 phút để đảm bảo diệt hết vi khuẩn.
9. Bệnh về xương khớp
Cùng với những bệnh ngoài da, hô hấp, tiêu hóa, bệnh về xương khớp chiếm tỉ lệ khá cao số người bị mắc phải, đặc biệt ở những người có tuổi, có tiền sử mắc bệnh. Thời tiết thất thường, lúc nóng lúc lạnh, mưa nắng bất chợt khiến nhiều người bị đau mỏi cơ xương khớp, co cứng cơ vùng vai gáy, thắt lưng.
Để phòng bệnh xương khớp trong những ngày mưa bão, người bệnh nên tránh ra ngoài trời mưa lạnh, năng tập luyện thể thao trong nhà.
Nhằm phòng tránh các dịch, bệnh nguy hiểm sau mùa mưa lũ, Cục Y tế dự phòng luôn khuyến cáo người dân:
- Thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng.
- Thực hiện thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt.
- Bảo đảm vệ sinh môi trường: Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom, xử lý, chôn xác động vật. Sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất được Bộ Y tế khuyến cáo để xử lý khi chôn cất. Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.
- Kịp thời phát hiện và dập tắt bệnh dịch truyền nhiễm như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm, đặc biệt cần đề phòng dịch tả, lỵ, thương hàn…




Cách đuổi ruồi nhặng ra khỏi nhà “tức tốc”

Cách đuổi ruồi nhặng ra khỏi nhà “tức tốc”


Cách đuổi ruồi bằng các loại cây cỏ với mùi hương tự nhiên, vừa mang lại cảm giác dễ chịu xung quanh không gian sống đồng thời xua đuổi lũ ruồi muỗi tránh xa vĩnh viễn.
Ruồi là côn trùng nhỏ thường bu kín thức ăn, đồ dùng làm mất vệ sinh và mang nhiều mầm bệnh. Dưới đây là một vài cách đuổi ruồi giúp bạn loại bỏ chúng dễ dàng, tự nhiên.
1/ Tiêu đen



Ruồi không thích mùi nồng của hạt tiêu đen. Vì vậy, trộn lòng đỏ trứng với đường, một muỗng canh hạt tiêu đen trong một món ăn. Đặt món ăn này ở những nơi bạn muốn đuổi ruồi, lưu ý khi hỗn hợp thức ăn này khô, bạn phải làm mồi khác thay thế.
2/ Bạc hà
Bạn có thể sử dụng bạc hà tươi hoặc sấy khô để đuổi ruồi. Treo những túi bạc hà gần cửa sổ hoặc cửa ra vào. Ngoài ra, bạn có thể cắt nhỏ lá bạc hà rồi thả vào cốc nước và đặt trên bàn hoặc cửa sổ. Thêm húng quế để đạt hiệu quả cao hơn.
3/ Húng quế



Húng quế là loại thảo dược thường được sử dụng để nấu ăn, lá này có một mùi hương khiến loài ruồi rất ghét. Bạn nên trồng chậu húng quế đặt ở gần cửa ra vào hoặc gần bàn ăn để ngăn chặn ruồi xâm nhập. Hoặc bạn có thể sử dụng túi húng quế khô gần khu vực nhiều ruồi.
4/ Tinh dầu sả
Trộn một muỗng canh dầu với 453g sả, lắc đều và phun trực tiếp vào ruồi và những nơi nhiều ruồi. Mặc dù không giết ruồi trực tiếp, tinh dầu sả sẽ cản trở khả năng bay của ruồi và cho phép bạn tiêu diệt chúng dễ dàng hơn.
5/ Lá nguyệt quế



Lá nguyệt quế là một thảo dược thường được sử dụng nấu ăn và nó cũng có một mùi hương khó chịu khiến ruồi và các loài côn trùng khác như bướm, gián tránh xa. Bạn có thể trồng nguyệt quế hoặc sử dụng lá khô để ngăn cản ruồi xâm nhập.
6/ Cây cúc ngải
Đây là loại thảo dược hiệu quả để xua ruồi. Tuy nhiên khi dùng loại cây này bạn nên chú ý vì tinh dầu của chúng có thể gây viêm da cho người nếu chạm phải. Ngoài ruồi, cây cúc ngải còn hiệu quả trong việc xua mối, mọt, kiến, chuột và muỗi nữa.
7/ Cây oải hương


Không chỉ là loại cây dùng để làm nước hoa thơm ngát. Bạn có thể trồng cây hoa oải hương trong vườn để xua ruồi. Không chỉ đuổi ruồi loại cây này cũng đuổi cả bọ chét và sâu bướm. Còn trong nhà thì bạn chỉ cần treo một nhánh oải hương là được.
8/ Lá hương thảo
Loại lá có màu xanh và dễ trồng này hấp dẫn các loại ong bướm nhưng chúng lại đuổi các côn trùng có hại như ruồi hay muỗi. Để dẹp giặc ruồi hãy trồng một vài cây hương thảo quanh nhà.
9/ Đốt vỏ cam, quýt
Khi ăn cam quýt bạn chớ vứt đi mà nên phơi khô, sau đó dùng vỏ cam, quýt đốt cháy lên, đây cũng là cách đuổi ruồi hiệu quả. Hương vỏ cam, vỏ quýt rất thơm và giúp bạn thấy sảng khoái nhưng lại là khắc tinh của ruồi muỗi. Khi hút phải mùi hương này chúng sẽ “tức tốc” bay ra khỏi nhà bạn.

10/ Sử dụng túi nước và đồng xu
Bạn cũng có thể làm bẫy ruồi bằng những túi nước, hoặc cốc nước chứa đồng xu, đặt ở những điểm xuất hiện nhiều ruồi. Dùng túi nilong trong suốt, cho nước vào cùng một đồng xu màu bạc cho vào bên trong bịch nước. Sau đó buộc lại và treo lên ở những khu vực có nhiều ruồi. Khi nhìn thấy bịch nước có đồng xu này ruồi sẽ sợ mà bay đi mất.
11/ Trái thầu dầu



Để xua đuổi ruồi và loài thứ côn trùng khác, có thể dùng trái thầu dầu phơi khô, xay vụn, đổ từng lớp mỏng trên mủng, thúng, hoặc đựng trên chén, đưa đến gần nơi ruồi đậu, hoặc rải một lớp trong hoặc quanh nhà, ruồi và các loài côn trùng khác sẽ tránh xa.
12/ Giảm bớt ánh sáng
Một biện pháp dân gian đơn giản khác cũng đã được ứng dụng, căn cứ vào đặc điểm ruồi thường thích ánh sáng thường ban ngày và sợ tối. Vì vậy khi có nhiều ruồi hoạt động ở trong nhà, có thể dùng quạt xua đuổi hết ruồi ra khỏi nhà và thả rèm cửa sổ, mành cửa chính, ngăn không cho ruồi bay lại vào nhà. Khi trong nhà bớt ánh sáng nên số lượng ruồi sẽ giảm và ruồi không bay vào nhà được nữa.
13/ Treo túi nước



Việc treo những túi nylon chứa nước trong veo dùng để xua đuổi ruồi là căn cứ vào đặc điểm ruồi thích ánh sáng thường ban ngày, do mắt kép của ruồi có phản xạ nhanh với ánh sáng phản chiếu bởi loại gương cầu. Khi ruồi bay đi bay lại tìm chỗ trú đậu đã gặp phải ánh sáng phản quang từ các túi nylon chứa nước trong, ruồi sẽ sợ và bay ra nơi khác. Biện pháp này đơn giản nhưng xua đuổi ruồi rất có kết quả.
Trên đây là 12 cách đuổi ruồi hiệu quả nhất bằng tinh dầu nguyên chất tự nhiên, hy vọng các bạn sẽ có thêm giải pháp để đuổi ruồi muỗi, côn trùng trong nhà, quán ăn, cửa hàng, khu vực sinh hoạt … một cách hiệu quả, cùng với đó để chăm sóc sức khỏe gia đình được tốt nhất.
Tố Nữ (Tổng hợp)

Sốt xuất huyết bùng phát ở Hà Nội: Chỉ tại con bọ gậy!

Dịch sốt xuất huyết bùng phát tại Hà Nội, đe dọa sức khỏe, tính mạng người dân thời gian qua khiến dư luận đặt câu hỏi, trách nhiệm này thuộc về ai, cơ quan nào? Bởi xác định nguồn bệnh từ con muỗi, lăng quăng, kế hoạch phun thuốc rộng khắp, nhưng tại sao muỗi vẫn vo ve mọi nơi, mọi chỗ thả sức gây bệnh?
Phun hóa chất diệt muỗi, muỗi không chết
Thực tế cho thấy, mặc dù số ca mắc sốt xuất huyết có dấu hiệu giảm tại Hà Nội, tuy nhiên, nhiều người vẫn lo ngại khi dịch sốt xuất huyết năm nay trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp, đến sớm hơn 3 tháng so với chu kỳ 30 năm qua. 30 năm qua, đỉnh dịch rơi vào tháng 9, 10, 11 nhưng năm nay lại rơi vào tháng 7. Bên cạnh đó, việc phun hóa chất diệt muỗi nhưng muỗi không chết cũng đang là mối nghi ngại của không ít người.

Trước câu hỏi của PV nhiều người băn khoăn về việc dập dịch của bộ Y tế chỉ mới mang tính chất bề nổi, chưa có chiều sâu, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng cục Y tế dự phòng (bộ Y tế), khẳng định, không chỉ dừng lại ở các chỉ đạo trên giấy tờ, phía cục Y tế dự phòng cũng đã có video hướng dẫn người dân trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết, diệt lăng quăng, muỗi, bọ gậy... nên không thể có chuyện dập dịch chỉ mang tính “bề nổi”.
PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, việc sốt xuất huyết có dấu hiệu chững lại trong thời gian gần đây đã là thành công vì năm nay dịch tới sớm. Bản thân ông cũng rất lo lắng nếu dịch bùng phát trở lại.
“Theo tôi, dịch bùng phát nguyên nhân đầu tiên là do biến đổi khí hậu, bên cạnh đó, Hà Nội lâu không có dịch nên giảm hết miễn dịch cộng đồng, thứ 3 là do sự giao lưu cộng đồng dân cư các tỉnh thành. Về vấn đề thuốc, tất cả đã có những kiểm định ngặt nghèo, trong đó chúng tôi có yêu cầu thực địa, khảo nghiệm trên tất cả các địa phương chứ không riêng gì Hà Nội. Vừa qua, sau quá trình phun hóa chất diệt muỗi, muỗi đã giảm hẳn, đó là hiệu quả”, PGS.TS Trần Đắc Phu nói.
Là đơn vị đã cử các đội xuống địa bàn để thực hiện phun hóa chất diệt muỗi, PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (bộ Y tế) cũng giải thích cặn kẽ việc phun hóa chất diệt muỗinhưng muỗi không chết, vấn đề không nằm ở thuốc. “Qua đánh giá cho thấy, tại các phường được chọn làm điểm, chỉ số muỗi trước phun tương đối cao nhưng sau phun 24 giờ đồng hồ, tất cả chỉ số muỗi trưởng thành đều về 0”, PGS.TS Trần Như Dương nói.
Tuy nhiên, PGS.TS Dương cũng đưa ra điểm lưu ý về chỉ số bọ gậy. Đây là điểm rất quan trọng vì trong quá trình phun phải làm đồng bộ mới mang lại hiệu quả cao. Tại các điểm được chọn trên địa bàn TP. Hà Nội, sau phun hóa chất diệt muỗi, tỉ lệ bọ gậy giảm nhiều nhưng chưa triệt để. Chính vì thế, sau 24 giờ phun, tại các điểm đó không phát hiện muỗi, nhưng vì bọ gậy xử lý chưa triệt để nên chỉ sau vài giờ, những con bọ gậy già tuổi có thể nở ra và lại tràn vào nhà.
“Điều đó giải thích cho việc vì sao, người dân có thể thấy việc phun hóa chất diệt muỗi không hiệu quả. Nhưng đó là do bọ gậy chưa được diệt triệt để, không phải do thuốc không hiệu quả. Vấn đề ở đây, phải diệt hết bọ gậymới mang tính bền vững”, PGS.TS Dương nói.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội về trách nhiệm của trung tâm Y tế dự phòng trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, ông Hoàng Đức Hạnh - PGĐ sở Y tế Hà Nội cho biết: Trung tâm Y tế dự phòng là đơn vị có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan ứng phó trong tất cả các dịch bệnh xảy ra trên địa bàn thành phố, chứ không riêng gì dịch bệnh sốt xuất huyết. Trong đợt vừa qua Trung tâm cũng đã phối hợp với các đơn vị tổ chức thực hiện công tác chống dịch bệnh.
Về vấn đề thuốc, ông Hạnh cho biết, loại thuốc phun diệt muỗi được thành phố sử dụng là Hantox 200 đạt tiêu chuẩn của bộ Y tế. Trước một số thông tin phản ánh về thuốc diệt muỗi giả đang bày bán trên thị trường, sở Y tế Hà Nội đã đề nghị các lực lượng chức năng tăng cường phát hiện và xử lý nghiêm.
Tuy nhiên, nhìn nhận ở một góc độ khác, Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Văn Khải đưa ra ý kiến, số ca mắc sốt xuất huyết có dấu  hiệu chững lại, thậm chí giảm xuống nhưng không phải do chúng ta phun thuốc diệt muỗi có hiệu quả mà do thời tiết đã nắng ráo hơn. Nơi nào có nắng, gió sẽ không có muỗi, chúng ta phải tận dụng điều đó.
TS. Khải cũng đặt ra câu hỏi về việc phun thuốc diệt muỗi nhưng muỗi không chết, có hay không chuyện thuốc giả, kém chất lượng bởi lẽ trước đây, các hộ gia đình vẫn thuê người phun thuốc diệt muỗi rất hiệu quả. Theo TS. Khải, rõ ràng thuốc phun không có tác dụng và liệu có phun thuốc đúng liều lượng không hay giống như câu chuyện tiêm vacxin? Và đơn vị nào sẽ kiểm tra liều lượng cũng như kiểm định loại hóa chất diệt muỗi mà chúng ta đang sử dụng để công bố rộng rãi trong toàn dân?
“Để dịch bùng phát như thời gian qua tại Hà Nội thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về UBND TP. Hà Nội khi chưa thể vận động dân tự sống sạch sẽ, tự bảo vệ sức khỏe của mình. Vẫn còn tình trạng đường phố bẩn, các khu ổ chuột nhiều, các bãi rác xuất hiện ở cả ngoài đường lớn.
Thêm vào đó, lỗi của bộ Y tế, của UBND TP.Hà Nội là không hướng dẫn mọi người tự phòng và dập dịch mà chỉ là công văn và phun thuốc diệt muỗi; chưa tổ chức dập dịch một cách nghiêm chỉnh và đúng quy luật tự nhiên”, TS. Nguyễn Văn Khải nói thêm.
Nguyễn Huệ - Nhất Nam


Người dân khó phân biệt thuốc diệt muỗi thật, giả

Người dân khó phân biệt thuốc diệt muỗi thật, giả
TP - Những tháng qua, dịch sốt xuất huyết (SXH) bùng phát tại Hà Nội khiến nhiều hộ gia đình tìm mua thuốc diệt muỗi về phun với hy vọng “né” được dịch. Vì thế nhiều cơ sở bán hóa chất diệt muỗi trở nên đắt hàng. Tuy nhiên, thực tế, nhiều thuốc diệt muỗi giả lại đang được bán công khai nhưng người dân khó phân biệt thật - giả.

Một cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho hay, nhiều cơ sở bán thiết bị y tế và hóa chất đều có bán  những loại thuốc diệt muỗi thông dụng nhất trên thị trường hiện nay mà các trung tâm y tế dự phòng hay dùng. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm, nhiều kiểu bao bì, bán với nhiều mức giá, nhưng lại cùng một nhãn hiệu, cùng một công ty sản xuất. Theo các chuyên gia vệ sinh dịch tễ, đã gọi là thuốc, thường phải có các thành phần hóa học, diệt côn trùng. Tức là có những hoạt chất, hóa chất độc.
TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, một số loại thuốc tồn
lưu nhưng ở nồng độ cho phép, sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe con người nếu dùng đúng quy định, đúng hướng dẫn sử dụng. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm đúng điều đó. Bên cạnh đó nhiều quan niệm sai lầm cho rằng, sử dụng thuốc diệt côn trùng càng tác dụng nhanh càng tốt nên muốn lựa chọn sản phẩm tác dụng ngay tức thì. Nhưng theo các chuyên gia dịch tễ, côn trùng càng chết nhanh thì nồng độ hóa chất trong thuốc càng mạnh. Như vậy con người cũng bị ảnh hưởng sức khỏe.
Bác sĩ Hà Tấn Dũng, Trưởng phòng Ký sinh trùng côn trùng (Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội) cho biết, dù là phun thuốc muỗi theo hình thức dịch vụ hay phun theo chương trình miễn phí của hệ thống y tế dự phòng thì thuốc đều cần có sự kiểm định và cấp phép của Bộ Y tế. Bác sĩ Dũng cho hay, hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc diệt muỗi được bán tràn lan và quảng cáo khắp nơi. Những thuốc này được dán mác rất phong phú mà người dân không biết được thật giả, chỉ có các cơ quan quản lý mới phân biệt được.
Theo các bác sĩ, có những loại được phép sử dụng trong môi trường cho người, nhưng có những loại thuốc dùng cho nông nghiệp, không tốt cho sức khỏe con người. Với những loại thuốc này, cơ quan chuyên về thuốc bảo vệ thực vật cần kiểm định xem có ảnh hưởng gì đến sức khỏe con người hay không. Theo quy định, ngành y tế cấp phép quản lý, mua bán thuốc diệt côn trùng nhưng kiểm tra thuốc bán trên thị trường lại là cơ quan quản lý thị trường. Trước đây, Bộ Y tế từng có quy định về việc những cơ sở phun hoá chất diệt côn trùng phải được phép của Bộ Y tế và được cấp chứng chỉ hành nghề, tập huấn chuyên môn nên việc thực hiện phun hoá chất được kiểm soát. Tuy nhiên từ năm 2001, khi các hộ kinh doanh chỉ cần có giấy phép kinh doanh là được thực hiện phun hoá chất thì thị trường này rất khó kiểm soát.
Bác sĩ Dũng khuyến cáo, người dân chỉ nên mua hóa chất diệt muỗi và côn trùng tại Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Viện Sốt rét ký sinh trùng T.Ư và đại lý chính hãng của các công ty sản xuất thuốc diệt muỗi để đảm bảo chất lượng và không gây hại cho sức khỏe.
Sáng 4/9, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp giao ban công tác phòng chống dịch SXH trên địa bàn thành phố. Theo ông Hải, từ 3.600 ổ dịch đến nay còn 711 ổ dịch cho thấy dịch ban đầu có dấu hiệu chậm lại, các giải pháp đã đúng hướng. Do vậy, thời gian tới cần tiếp tục thực hiện 6 giải pháp quyết liệt hơn, khắc phục những hạn chế. “Một số địa phương chưa thấy tính nghiêm trọng của dịch, chưa tập trung chống dịch cần khẩn trương khắc phục ngay. Ngoài ra, tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chống SXH bằng cách diệt bọ gậy. Đẩy mạnh tỷ lệ 100% các hộ dân các quận/huyện diệt bọ gậy. 711 ổ dịch còn lại phải tập trung dập”, ông Hải nói.                

Hoàng Phong